Rủi ro pháp lý mua bất động sản nghỉ dưỡng trái quy hoạch

Biệt thự
Rủi ro pháp lý mua bất động sản nghỉ dưỡng trái quy hoạch

Đầu tư bất động sản du lịch đang có xu hướng nở rộ. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền tỷ mua một sản phẩm, có không ít vấn đề người mua cần lưu ý.

Xác lập quyền sở hữu: Cẩn trọng

Thị trường đang trăm hoa đua nở với đủ loại sản phẩm căn hộ hay biệt thự nghỉ dưỡng, trong đó rất nhiều dự án mang tên nước ngoài và được gắn sao, rồi hàng loạt ưu đãi khủng từ cam kết lãi suất cho thuê sản phẩm gấp đôi lãi suất tiết kiệm ngân hàng, gia nhập các câu lạc bộ khách hàng VIP, mua lại sản phẩm… Song có một vấn đề người mua rất cần lưu ý, đó là quyền sử dụng nhà đất.

Theo Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014, các dự án nhà ở được giao đất (đất ở) để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, người mua nhà ở được cấp giấy chứng nhận sở hữu và được sử dụng ổn định lâu dài. Tuy nhiên, các dự án du lịch (đất thương mại dịch vụ - đất phi nông nghiệp) thực hiện kinh doanh theo dự án du lịch nên chỉ được cho thuê các biệt thự, căn hộ.

Chủ đầu tư muốn huy động vốn bằng cách bán được biệt thự, căn hộ du lịch thì người mua phải được cấp giấy chứng nhận sở hữu và như vậy dự án này phải được giao đất (đất ở) hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng qua đất ở (kèm hình thức thuê sang giao).

Hiện các dự án bất động sản du lịch hiện nay được đăng ký đầu tư dưới hai hình thức: Thứ nhất, dự án bất động sản du lịch được đầu tư theo dự án nhà ở (hoặc tiểu khu nhà ở) với hình thức giao đất ở thì được quyền bán hoặc bán kết hợp cho thuê nhà ở và đăng ký dự án theo Luật Đầu tư hoặc Luật Nhà ở... Thứ hai, dự án bất động sản du lịch (hoặc tiểu khu công trình du lịch) được đăng ký theo Luật Đầu tư với hình thức thuê đất (đất thương mại dịch vụ). Theo đó, chủ đầu tư dự án phải đầu tư và quản lý vận hành tổng thể dự án theo đúng giấy đăng ký đầu tư.

Chủ đầu tư có thể chuyển nhượng một phần dự án cho bên khác và bên nhận chuyển nhượng được cấp giấy đăng ký đầu tư và phải thực hiện đúng nội dung giấy đăng ký đầu tư. Một phần dự án được chuyển nhượng phải là khu hoặc phân khu của dự án, nhằm đảm bảo yếu tố quản lý và hoạt động độc lập theo giấy đăng ký đầu tư (đồng nghĩa với từng biệt thự, căn hộ).

Tuy nhiên, hiện có rất dự án bất động sản du lịch đã bán từng căn biệt thự, căn hộ du lịch cho người mua làm thay đổi mục tiêu, nội dung giấy đăng ký đầu tư, phá vỡ quy hoạch.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1675/QĐ-TTg về tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất, trong đó nhấn mạnh rất cần xem xét và kiểm tra đối với các dự án bất động sản du lịch.

Phòng trước rủi ro

Để tránh rủi ro pháp lý, người mua cần xem xét kỹ đối với đất của bất động sản dự định mua phải là đất ở dưới hình thức giao đất (thường thời hạn giao không quá 50 năm) cho chủ đầu tư thì người mua mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ngân hàng chấp nhận là tài sản đảm bảo.

Người mua nên xem xét kỹ bất động sản tại dự án đất thương mại dịch vụ (đất phi nông nghiệp) với hình thức đất thuê (thường với thời hạn thuê không quá 50 năm). Những trường hợp này không được cấp giấy chứng nhận sở hữu và không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo.

Mặt khác, sau khi bán hết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò là một bên thuê lại để khai thác. Trong khi đó, nguồn thu từ việc cho thuê phụ thuộc vào nguồn khai thác khách du lịch của đơn vị quản lý khai thác du lịch chuyên nghiệp mới có thể đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.

Ngay việc chuyển nhượng những bất động sản du lịch cũng không đơn giản như chuyển nhượng nhà đất thông thường. Đơn cử, trong Quy chế quản lý việc chuyển đổi đất du lịch sang đất ở để xây dựng biệt thự du lịch trên địa bàn đảo Phú Quốc, ban hành ngày 26/10/2015, có nêu rõ: Khi chuyển nhượng đất ở gắn với biệt thự du lịch cho tổ chức, cá nhân khác, phải thông báo trước bằng văn bản cho chủ đầu tư dự án phát triển du lịch và Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc.

Theo LS Trần Đức Phượng(Đoàn LS TP.HCM)

Icon Phone
0937109088